Quý khách vui lòng gọi điện hẹn trước khi đến tham quan và mua hàng tại Vườn sứ Phát Lợi.
ĐT: 0974.828.428
HOTLINE/ZALO/VIBER : 0975.828.428 (Mr. Lợi)

Thứ Năm, 1 tháng 3, 2012

HƯỚNG DẪN GHÉP SỨ - PHẦN 6a: PHƯƠNG PHÁP GHÉP CHỮ V

Cây sứ Thái Lan nguyên thủy thường có màu hồng nhạt. Cây sứ con gieo từ hạt do thụ phấn tự nhiên, sẽ cho ra một màu hoa mới, nó có thể được giữ lại để hình thành nên một giống sứ có tên gọi mới, tuy nhiên, phần lớn hoa của các cây sứ gieo từ hạt này thường mang tính trạng xấu từ cây bố mẹ, nên hoa ít, màu sắc không đẹp. Vì vậy, để có được cây sứ không chỉ đẹp ở bộ rễ mà còn đẹp cả ở màu hoa, người chơi thường dùng phương pháp ghép. 

Hiện nay có nhiều phương pháp ghép áp dụng cho cây sứ, nhưng căn bản vẫn là Phương pháp ghép vạt nêm (chữ V) và Phương pháp ghép ngồi. Phương pháp ghép ngồi có thể mở rộng ra thành Phương pháp ghép bịt và Phương pháp ghép ngồi áp dụng cho phần ngọn. 

Ở đây tôi sẽ trình bày lần lượt 4 phương pháp trên, tùy thuộc vào tay nghề của người ghép mà có thể áp dụng linh hoạt từng phương pháp ghép. 

6.1. Định nghĩa một số khái niệm. 
Gốc ghép – nhánh ghép (cây nguyên liệu) : Hiểu một cách đơn giản, là cây sứ … được ghép. Nó có thể là cây sứ nguyên thủy gieo từ hạt, có màu hoa không đẹp, hoặc là cây sứ đã được ghép, nhưng có bộ rễ đẹp và người chơi muốn thay đổi màu hoa mới. Gốc ghép yêu cầu phải đang phát triển tốt, đường kính nhánh ghép tốt nhất trong khoảng từ 1 – 2 cm. Da có màu xanh hơi ngả xám, không bị nấm móc đeo bám. Nhánh ghép khi cắt ngang thì tiết ra nhựa màu trắng đục. 


Bo ghép: Là một đoạn được lấy từ một nhánh sứ cho hoa đẹp. Tùy theo phương pháp ghép khác nhau mà bo ghép có độ dài ngắn khác nhau, sẽ được trình bày cụ thể ở từng phương pháp ghép. Bo ghép tốt nên có màu xanh hơi ngả sang xám, nhưng không được quá già. Người mới tập ghép thì dùng bo ghép có màu ngả sang xám sẽ dễ thành công hơn. Người đã ghép thuần thục, thì thích dùng bo ghép vẫn còn màu xanh, vì sau này bo ghép sẽ phát triển mạnh hơn. Bo ghép không nên để quá lâu sẽ làm giảm tỉ lệ thành công. Nếu vì một lý do nào đó mà không sử dụng hết bo ghép thì cắt bỏ hết các lá trên nhánh bo, cho vào chai pet (chai nhựa), đóng nắp lại và để trong ngăn mát của tủ lạnh, theo cách này có thể bảo quản bo ghép thêm vài ngày. 


6.2. Phương pháp ghép vạt nêm (V – Graft).
 Hay còn được gọi là phương pháp ghép chữ V. Phương pháp ghép này được áp dụng trên cây sứ đã khá lâu. Nhược điểm của nó là công đoạn chuẩn bị ghép tốn nhiều thời gian, các bước thực hiện phức tạp, tiêu tốn nhiều bo ghép, vết ghép xấu. Phương pháp này hiện nay ít được sử dụng, tuy nhiên cũng tùy vào trường hợp mà áp dụng để đạt kết quả ghép tốt nhất. Hiện tại, tôi vẫn dùng phương pháp ghép này khi tận dụng phần ngọn của bo ghép.

Về dụng cụ bao gồm: Dao ghép thật sắc (ở đây tôi dùng dao lam), bông gòn hoặc khăn sạch, cồn 90 độ sát trùng dao, túi nylon sạch, dây nylon, băng keo lụa (loại quấn ron ống nước). Loại băng keo lụa này trên thị trường có 2 loại: “loại tốt” và “loại thường” (tôi chỉ nghe người bán giới thiệu như vậy). Thường thì cái gì tốt, giá cao hơn sẽ … tốt hơn. Nhưng ở đây, dùng cho việc ghép sứ thì loại băng keo thường, giá rẻ hơn, lại … phù hợp hơn.


Thời gian thực hiện nên bắt đầu vào buổi sáng khi nhiệt độ chưa quá nóng (trước 10h) hoặc buổi chiều khi nhiệt độ không còn quá nóng (sau 16h). 

Ta tiến hành như sau: 
Bước 1: Cắt ngang nhánh ghép để nhựa chảy ra. 

Bước 2: Sau một khoảng thời gian ngắn (khoảng 30 giây), dùng khăn sạch lau lớp nhựa trắng ở bề mặt, đồng thời dùng bông gòn tẩm cồn 90 độ tiệt trùng dao ghép. Cắt bỏ một đoạn ngắn trên nhánh ghép (chừng vài mm). 

Bước 3: Tạo một rãnh hình chữ V, chiều sâu từ 1 – 1,5 cm. Lưu ý vết cắt phải thật “ngọt”, dao cắt đi theo một đường thẳng, tránh tình trạng “cứa” sẽ làm cho bề mặt tiếp xúc không tốt. 

Bước 4: Lấy phần lõi vừa cắt ra khỏi nhánh ghép.



Bước 5: Rửa bo ghép bằng nước sạch. Dùng khăn lau nhẹ cho khô nước. 

Bước 6: Cắt bỏ hết các lá, có thể chừa lại một vài lá non ở trên ngọn. 

Bước 7: Cắt hai đầu bo ghép, tạo thành hình vạt nêm. Lưu ý, phần vạt nêm này có kích thước tương đương với phần rãnh trên nhánh ghép được tạo ở bước 4. 

Bước 8: Đặt bo ghép vào rãnh chữ V của nhánh ghép. 

Bước 9: Dùng băng keo lụa quấn chặt bo ghép vào gốc ghép. 

Bước 10: Dùng túi nylon trùm kín bo ghép lại để tránh thoát hơi nước. 
Mang cây sứ vào nơi thoáng mát. Sau 7 ngày nếu thấy bo ghép vẫn còn tươi và có dấu hiệu mọc thêm lá mới thì ghép thành công. Nhưng đến ngày thứ 12 mới được tháo túi nylon ra. Để cây phát triển trong mát từ 1 – 2 tuần mới mang ra nắng bình thường. Nếu mang ra nắng sớm, sẽ có khả năng bo ghép bị khô. 








Mặc dù vết ghép đã thành công, nhưng đừng vội tháo lớp băng kẹo lụa. Hãy để nó tự phân hủy theo thời gian. Điều này giúp cho chỗ vết ghép không bị tách ra, gây mất thẫm mĩ. Thông thường sau 1 năm lớp băng keo lụa sẽ tự phân hủy.

Chúng ta cũng có thể thay thế lớp băng keo lụa bằng dây nylon mảnh, màu trắng. Tuy nhiên, dây nylon không có tính đàn hồi nên sau một thời gian, phải cắt bỏ lớp dây để không ảnh hưởng đến cây sứ khi đã phát triển to hơn. Vết ghép sau này sẽ không đẹp. 



------
Các bài liên quan:
DÂY THUN ĐEN GHÉP SỨ
Chịu được ánh nắng trực tiếp trên 15 ngày. Kích thước nhỏ phù hợp cho việc ghép sứ. Giá 65.000đ/0.5kg (chưa bao gồm cước vận chuyển)



PHÂN HỮU CƠ DYNAMIC LIFTER

Phân hữu cơ xuất xứ từ Úc, dạng viên nén, tan chậm, 100% từ phân hữu cơ được gia nhiệt nên loại trừ hết hạt cỏ. Phân Dynamic Lifter có tác dụng cải thiện đất trồng, làm tăng khả năng giữ chất dinh dưỡng cho đất.

Giá 25.000đ/kg

(chưa bao gồm cước vận chuyển)